Chen nhau đăng ký mua chung cư ở Hà Nội

Sàn giao dịch bất động sản Nam Cường trên đường Khuất Duy Tiến hai ngày nay tiếp hàng nghìn khách kéo tham gia bốc thăm quyền góp vốn, một hình thức bán chung cư chưa từng có tại Hà Nội.

Trong hai ngày 2 và 3/11, Tập đoàn Nam Cường tiến hành đăng ký bốc thăm quyền góp vốn mua 300 căn hộ thuộc tổ hợp chung cư Lê Văn Lương Residentials cụm CT7, CT8 và khu khách sạn thương mại nhà ở HH2 thuộc đô thị mới Dương Nội (Hà Nội). Tính từ sáng hôm qua đến trưa nay, đã có hàng nghìn khách hàng kiên nhẫn chờ đợi tại sàn giao dịch bất động sản của Nam Cường. Nhiều khách hàng phải bỏ cả giờ làm, nhịn ăn sáng, thậm chí có người đi từ 5 giờ sáng để xí chỗ.

Ảnh: Hoàng Lan
Khách hàng kẻ đứng người ngồi chờ được gọi tên. Ảnh: Hoàng Lan.

Tập đoàn Nam Cường cho hay, theo danh sách, có khoảng hơn 3.000 người đăng ký quyền góp vốn cho 300 căn hộ khu Dương Nội. Để loại trường hợp đăng ký ảo, Nam Cường đọc ngẫu nhiên để chọn 900 người lọt vào vòng trong. Từ 900 khách hàng này, Tập đoàn sẽ bốc thăm bất kỳ để lấy 300 khách hàng may mắn được quyền góp vốn. Theo đó, mỗi người được quyền góp vốn sẽ có cơ hội mua một căn hộ và phải đặt cọc 50 triệu đồng. Tính từ sáng qua đến trưa nay, đã có 900 phiếu đăng ký được phát ra. Phiên bốc thăm chọn quyền mua căn hộ sẽ diễn ra vào ngày 4/11 tới.

Với diện tích đa dạng từ trên 50 m2 đến 200 m2, giá cả hợp túi tiền, khoảng 880 USD – 1.200 USD, các tòa nhà trên đã đáp ứng được nhu cầu của nhiều khách hàng và gây ra hiện tượng sốt trong suốt tuần qua. Cũng không hiếm người chen chân đăng ký mua để đầu tư kiếm lời. Chị Hà Phương, nhân viên ngân hàng tại quận Đống Đa, cho hay chị đăng ký mua nhà sau đó sẽ bán sang tay ngay để hưởng tiền chênh lệch. Cách đây một tháng, sau 3 lần “lướt sóng” ở khu Xa La và tòa F, G khu đô thị Dương Nội, chị đã tích cóp được hơn 200 triệu. “Hai vợ chồng tôi đang sống cùng con nhỏ trong một khu bếp rộng khoảng 15 m2 cùng gia đình nhà chồng. Khi nào lướt sóng lãi được khoảng 600- 800 triệu, tôi mới có thể có thể đủ tiền để mua chung cư”, chị tâm sự.

Lần đầu tiên tại Hà Nội, chủ đầu tư công khai quyền góp vốn mua căn hộ cho mọi đối tượng khiến nhiều khách hàng phấn khởi. Tuy nhiên, theo nhiều người dân phản ánh, phía chủ đầu tư tổ chức chưa chuyên nghiệp dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy nhau. Chị Thanh Thảo (Nghĩa Tân) cho hay, sáng 2/11, phía Tập đoàn ban đầu đã không dùng loa phát thanh, khiến người nghe thấy, người không và hàng trăm khách hàng băng qua cửa kính, chen lấn xô đẩy nhau ào ào vào phía trong sảnh. Phía công ty đã phải huy động cả bảo vệ để giữ trật tự.

Ảnh: Hoàng Lan
Khách hàng chờ để được nhân viên tập đoàn Nam Cường ghi tên. Ảnh: Hoàng Lan.

Thông tin chủ đầu tư công khai quyền mua căn hộ đã gây xôn xao trên thị trường và “cò” đất lại có dịp tung hoành. Ngay phía ngoài phòng giao dịch, vài người gạ mua lại phiếu bốc thăm với giá chênh lệnh 50 triệu đồng. Trên mạng cũng nhan nhản thông tin rao bán “suất góp vốn” với giá 10 triệu đồng.

Để tránh hiểu lầm cho khách hàng, ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó giám đốc Tập đoàn Nam Cường, cảnh báo: “Đây chỉ các phiếu có quyền vào bốc thăm. Trong số 900 người được quyền bốc thăm, sẽ có 300 người được bốc thăm ngẫu nhiên để được quyền mua căn hộ”.

Theo ông Việt, từ trước đến nay, tại Hà Nội, người dân khó mua được giá gốc. Tập đoàn công khai quyền mua góp vốn để đảm bảo công bằng cho tất cả mọi đối tượng. “Với giá trị căn hộ trên dưới một tỷ đồng, tiến độ thu tiền kéo dài đến 3 năm là hoàn toàn phù hợp khả năng tài chính của nhiều đối tượng khách hàng”, ông Việt chia sẻ.

Ảnh: Hoàng Lan
6 giờ tối, vẫn còn khách hàng đứng chờ để được đăng ký. Ảnh: Hoàng Lan.

Mặc dù còn nhiều sơ suất trong khâu tổ chức song việc chủ đầu tư công khai giá bán được giới kinh doanh bất động sản đánh giá cao. Ông Lê Đức Hiền, phó phòng giao dịch sàn Viglacera, nhận định, việc chủ đầu tư công khai mua bán căn hộ là điểm khởi đầu để thị trường tiến tới công khai minh bạch hơn. Cũng theo ông Hiền, qua việc góp vốn công khai, cả người mua và khách hàng đều có lợi. “Khách hàng sẽ mua được giá gốc, còn chủ đầu tư nâng cao được uy tín của mình. Trong kinh doanh, lòng tin của khách hàng rất quan trọng, ai chiếm được lòng tin của khách hàng, doanh nghiệp đó chiến thắng”, ông Hiền phân tích. Cũng theo ông Hiền, phải là chủ đầu tư thực sự có tiềm lực mới có thể công khai quyền góp vốn cho khách hàng là những cá nhân nhỏ lẻ.

Giới chuyên gia nhận định, sở dĩ, trong thời gian qua, chung cư đang rơi vào đợt sốt do tình trạng khan hiếm trên thị trường. Tại Hà Nội, chỉ có một số căn hộ mới được triển khai như FLC Landmark Tower tại đường Lê Đức Thọ, Golden Palace ở Hà Đông, Hemisco – Xa la. Báo cáo của CBRE cho thấy, thị trường Hà Nội dự tính cho cả năm 2009, sẽ có khoảng 8.000 căn hộ chung cư được chào bán, nhưng chỉ có từ 3.000 đến 4.000 căn hộ được hoàn thiện và bàn giao. Số căn hộ thực tế xây dựng đã ít, số lượng bàn giao ở ngay lại càng thấp hơn dẫn đến nguồn cung càng khan hiếm.

Ông Nguyễn Thanh Cảnh, Giám đốc sàn ACBR cho rằng, các suất chung cư ở khu Xa La, Văn Khê, Văn Phú đã bán hết, khách hàng phải mua lại với khoản chênh lệch đến vài trăm triệu. Giá cả các khu chung cư tăng đến chóng mặt. Tiêu biểu các tòa nhà C14 Bộ Công an đường Lê Văn Lương và Tòa nhà HH2 Nhà xuất bản Công an Nhân dân khu Khuất Duy Tiến trong tháng trước giá khoảng 20 triệu đến nay đã lên tới giá 23-25 triệu đồng mỗi m2 tùy vị trí. Chung cư CT5 Văn Khê đã bán hết chỉ còn giao dịch lại giá 19- 20 triệu mỗi m2 chênh lệch từ 100- 200 triệu đồng mỗi căn. “Giá chung cư tăng chóng mặt, bất động sản lại khó mua dẫn đến chỉ cần một tòa chung cư tung ra thị trường là được nhiều người chào đón. Thêm vào đó, khu Dương Nội mới tung sản phẩm ra thị trường và người mua có cơ hội tiếp cận giá gốc nên đã gây dư luận xôn xao”, ông Cảnh nhận định.

Hoàng Lan-Vnexpress


  1. It‘s quite in here! Why not leave a response?